Doanh nghiệp bỏ chạy khỏi V-League – Tại sao?

329

“Không doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào bóng đá Việt lúc này vì vé không ai mua, quần áo ế ẩm, bảng quảng cáo không hiệu quả… Tóm lại là lỗi của CĐV”, nghe vô lý nhưng là suy nghĩ có thật của nhiều ông bầu tại V-League.

Muốn điểm danh các đội bóng có lượng CĐV thưa thớt ở V-League 2017 có vẻ dễ hơn là tìm những đội bóng có đông khán giả. SLNA, Than Quảng Ninh, Hải Phòng, FLC Thanh Hóa hay HAGL chỉ chiếm chưa đầy 50% số đội bóng vẫn có nguồn thu từ tiền bán vé, còn lại đa phần các đội bóng phải bù lỗ nặng vì tiền thuê sân tổ chức trận đấu ở mỗi mùa giải rơi vào khoảng 100 triệu đồng/trận, trong khi vé bán được 1.000-2.000 vé, thu được 10-20 triệu đồng đã là mừng.

CLB Hà Nội đá hay, mặt sân Hàng Đẫy được tân trang cực đẹp, khán đài cũng được tu bổ, nhưng khán giả thì vẫn trống vắng đến nao lòng. Ảnh: Hải Anh.

Mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Võ Quốc Thắng than thở trên mặt báo về tình hình kinh tế khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp không máu đầu tư vào bóng đá Việt. Ngay cả đội bóng Long An mà ông từng là ông bầu, bây giờ vẫn đang sống bằng nguồn sữa từ doanh nghiệp của ông, cũng khó thoát khỏi nguy cơ rớt hạng V-League vì sự đầu tư chỉ còn khoảng 20 tỉ đồng/mùa, không đủ tiềm lực để tranh chấp với nhiều đội bóng khác.

Một ông bầu từng chia sẻ: “Thời điểm này không doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào V-League vì tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Vé bán không ai mua, trang phục cổ vũ ế ẩm, bảng quảng cáo cũng không hiệu quả vì lượng khán giả xem bóng đá V-League qua truyền hình ngày một thưa thớt… Tóm lại sự thờ ơ của người hâm mộ, sự chê bai quá nhiều từ báo chí đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm cách tránh xa V-League.”

Sân Long An cũng ngày càng thưa thớt khán giả. Ảnh: Quang Liêm

Chắc chắn, không ít CĐV nhảy dựng lên khi nghe những chia sẻ trên đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít CLB đã nỗ lực thay đổi hình ảnh, kêu gọi người hâm mộ chung tay vì sự phát triển chung của V-League, bởi giải đấu có mạnh thì đội tuyển quốc gia mới mạnh hơn được. Thế nhưng không ít CLB chỉ nhận được sự hưởng ứng từ thiểu số, không đáng kể về tài chính và chẳng thấm vào đâu so với những gì doanh nghiệp của mỗi CLB phải trang trải để duy trì cái tên trên bản đồ bóng đá nước nhà.

Đúng là chất lượng V-League không so bì nổi với Thai League, vốn là thước đo mà người hâm mộ rất thích lựa chọn mỗi khi cần so sánh, chê bai. Tuy nhiên, như một chuyên gia từng ví von hài hước, “muốn bóng đá Việt Nam phát triển thì đừng thay HLV, thay cầu thủ mà nên thay… CĐV”, có cay đắng không khi nhìn vào những gì mà bầu Hiển làm cho bóng đá Hà Nội, nhìn vào bầu Thắng làm cho bóng đá Long An, rồi cả bầu Đức làm cho HAGL…, đáp lại là sự thưa thớt dần đều ở mỗi khán đài.

Hà Nội FC bị chê thiếu bản sắc nên không có CĐV. 5-7 năm nay sản sinh đều đặn những tài năng trẻ và trưởng thành cho các đội tuyển quốc gia. Đội bóng của bầu Hiển bị chê làm bóng đá hời hợt, ông cho tân trang lại sân Hàng Đẫy với mặt cỏ đẹp như nhung, khán đài cũng dần hoàn thiện… Bầu Hiển làm đủ mọi cách rồi, trận đấu giữa Hà Nội FC và Long An hôm 1-10 vừa rồi, khán đài B sân Hàng Đẫy chỉ có vỏn vẹn 200 CĐV, ngồi lọt thỏm giữa khoảng không mênh mông đến nao lòng.

Long An, một tượng đài trong “tứ đại thiên vương V-League” 10 năm trước, bây giờ trận nào mà khán đài sân Long An có khoảng 3.000 khán giả là vui lắm rồi. Bầu Thắng mở lòng chấp nhận xã hội hóa đội bóng, sẵn sàng bỏ thương hiệu Đồng Tâm để mời gọi nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chung tay, chung vốn để phát triển CLB. Kết cục lúc này, vẫn chỉ có doanh nghiệp của ông oằn mình chi 20 tỉ đồng mỗi mùa.

Mùa này, sân Pleiku cũng không còn được chứng kiến CĐV HAGL phải đứng tràn xuống sân để theo dõi lứa Công Phượng, Tuấn Anh chơi bóng. Ảnh: Anh Dũng.

HAGL nếu tính khoản tự thu tự chi, vẫn có nguồn thu từ bán vé, bán quần áo cổ động nhờ sức hút từ lứa Công Phượng. Mấy năm nay còn có thêm một số doanh nghiệp như VPMilk, Osla đồng hành chia sẻ một phần gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào Học viện HAGL JMG đồ sộ, ngày một đông đúc hơn, các dãy phòng ở, sân bóng liên tục phải xây dựng thêm, hàng trăm con người chỉ chú tâm vào một mục đích tìm kiếm, rèn luyện tài năng bóng đá, con số ít ỏi doanh nghiệp hỗ trợ cho HAGL chưa thấm vào đâu, nếu nhìn sang những đội bóng hùng mạnh ở Thái Lan, với hàng chục công ty sẵn sàng lao vào bỏ tiền đầu tư.

Những đội bóng ở V-League, bằng cách này hay cách khác phải tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại, vì chính thương hiệu của doanh nghiệp. Có nhiều đội bóng làm chưa tới, nhưng họ vẫn muốn người hâm mộ ghi nhận, bằng cách bớt chút thời gian mỗi cuối tuần đến sân cổ vũ.

Đúng là V-League còn nhiều bất cập, bạo lực sân cỏ, trọng tài kém chất lượng, nhiều trận đấu bị nghi ngờ, nhưng để bỏ ra một khoản tiền không quá lớn để nuôi dưỡng tình yêu bóng đá cho bản thân và cho gia đình, đâu quá khó!

Đúng không các CĐV “khó tính nhất Đông Nam Á”?

Nguồn: NLD.com.vn